Tin công ty

Kinh nghiệm xây nhà ở xã hội tại các nước

25/02/2011

 

Kinh nghiệm xây nhà ở xã hội tại các nước

 

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Nhà ở xã hội là mối quan tâm của Chính phủ các nước trên thế giới. Tại Pháp, từ thế kỷ trước, làn sóng di cư ồ ạt từ nông thôn đến thủ đô và các thành phố lớn đã khiến nước này nhiều lần phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng về nhà xã hội.

Với mục tiêu giảm thiểu các khu nhà ổ chuột gây mất mỹ quan và là nguy cơ tiềm ẩn bùng phát tệ nạn xã hội, ngay từ năm 1912, Hội đồng thành phố Paris đã chấp nhận vay 200 triệu franc để xây dựng 20,000 căn nhà tại thủ đô cho người nghèo.Đạo luật về nhà ở cho dân nghèo được dân biểu Laurent-Marie Bonnevay đề xướng vào năm 1912 và có hiệu lực vào năm 1929 đã tạo điều kiện để chính phủ Pháp xây dựng nhà ở đại chúng trên quy mô lớn. Tuy nhiên đến những năm 1980, kinh tế Pháp suy thoái khiến ngân sách dành cho nhà ở xã hội giảm, các chung cư xuống cấp trầm trọng.Dự án khôi phục nhà ở xã hội được Thị trưởng thành phố Grenoble Hubert Dubedout khởi xướng, sau đó đã trở thành dự án cấp quốc gia. Chiến dịch tân trang mặt tiền, tu sửa và lắp đặt các trang thiết bị tân tiến đã đem lại diện mạo mới cho 1/3 số nhà ở xã hội. Mặc dù phải trả số tiền thuê nhà cao hơn nhưng những người không có điều kiện để sở hữu nhà ở vẫn cảm thấy hài lòng với căn nhà đẹp hơn và tiện nghi hơn.

Hiện nay, để đảm bảo quyền lợi cho người có thu nhập thấp, các công ty tư nhân chỉ được phép là nhà đầu tư thứ phát các dự án xây dựng nhà ở. Để đảm bảo quỹ nhà ở xã hội, mỗi khu vực sẽ được tính toán cụ thể nhu cầu nhà ở xã hội, từ đó phân bổ vào các dự án.Đặc biệt, nhà ở xã hội không xây dựng thành một khu vực riêng mà các dự án từ 800m2 sàn trở lên sẽ phải có tối thiểu 2 căn hộ nhà ở xã hội. Mỗi địa phương phải đảm bảo số căn hộ nhà ở xã hội bằng 20% tổng số căn hộ trên địa bàn.

Tại Nhật Bản, do giá cả bất động sản vô cùng đắt đỏ nên cơ hội sở hữu nhà riêng là một điều ước khá xa xỉ với người dân. Tại các thành phố lớn, đa số mọi người đều chọn hình thức thuê nhà dài hạn vì thế Cơ quan Quản lý nhà công được thành lập nhằm giúp chính quyền địa phương cung cấp nhà cho thuê với mức giá thấp, được trung ương bao cấp một phần. Đối với những người có nhu cầu mua nhà hoặc sửa chữa nhà, Tổng Công ty tài chính nhà ở của Chính phủ sẽ thực hiện cấp vốn vay dài hạn với lãi suất thấp.

Còn tại Indonesia, các Kampung (khu dân cư có thu nhập thấp) được xây dựng theo phương thức cứ Nhà nước đầu tư 1 triệu rupiah cho các chi phí trực tiếp thì cộng đồng đóng góp 5% số tiền (50,000 rupiah). Từ năm 1969, nhà nước chủ trương cải tạo lại các Kampung xuống cấp qua 3 phương thức: các dự án do dân tự đóng góp thực hiện, các dự án có sự hỗ trợ một phần của chính quyền, các dự án được chính quyền địa phương và Trung ương tài trợ cùng khoản viện trợ của Ngân hàng Thế giới (WB).

Vanphucgia.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị

 

Copyright © 2012 VAN PHUC GIA INVESTMENT J.S.C. All rights reserved
Số 1 Trần Văn Khê, Phường 17, Quận Bình Thạnh, TP.HCM - Điện thoại : 35.268.650 - Fax : 38.469.618
Email : vanphucgiaJSC@vanphucgia.vn; website: www.vanphucgia.vn
Coppyrighted © 2012 Designed by VPG